Thứ Ba, 21 tháng 7, 2015

Thắc mắc các bệnh về mắt

1. Xin Bác sĩ cho biết đôi mắt của chúng ta thường mắc những bệnh gì?

Mắt là một trong những cơ quan có nhiều cấu trúc tinh vi và tinh tế của cơ thể. Có thể gặp hàng ngàn thứ bệnh tại mắt.

các bệnh về mắt
Các bệnh về mắt



Các bệnh mắt được chia theo các nhóm dựa theo cấu trúc giải phẫu: Giác mạc, thể thủy tinh, dịch kính, võng mạc, thần kinh. Hoặc có thể chia theo nguyên nhân hoặc cơ chế sinh bệnh: Bệnh nhiễm trùng, viêm, bệnh tự miễn, khối u, bệnh di truyền v.v…



Trong số các bệnh cấp tính: phổ biến nhất là bệnh viêm kết mạc, hay còn gọi đau mắt đỏ, tiếp theo là các bệnh nhiễm trùng: giác mạc, mi mắt. Đối với các bệnh mãn tính: đục thủy tinh thể, tật khúc xạ là một trong những nguyên nhân gây giảm thị lực hàng đầu ở VN, ngoài ra các bệnh của các nước phát triển như bệnh võng mạc tiểu đường, thoái hóa hoàng điểm tuổi già ngày càng tăng ở đất nước chúng ta. Bệnh khô mắt, dị ứng cũng là những bệnh lý thường gặp liên quan đến môi trường sống và làm việc.



2. Nguyên nhân gây bệnh?

Như đã nói ở trên có rất nhiều tác nhân gây bệnh, có thể do nhiễm vi khuẩn, virus, vi nấm, nhưng cũng có thể do nguyên nhân nội sinh, di truyền, hoặc yếu tố bên ngoài.

3. Cách phòng và điều trị ra sao?

Tùy thuộc vào loại bệnh mà chúng ta có các cách phòng tránh khác nhau.

Đối với viêm kết mạc thường xảy ra thành dịch, có tính lây truyền cao: cần nâng cao công tác vệ sinh cá nhân, rửa tay sạch trước và sau khi chăm sóc mắt, không dùng chung các vật dụng cá nhân, sử dụng nguồn nước sạch trong sinh hoạt. Khi bị bệnh nên tránh tiếp xúc nơi đông người để giảm nguy cơ lây lan ra cộng đồng.

Đối với các bệnh chấn thương: Cần có ý thức bảo vệ đôi mắt khi làm việc: đeo kính và các vật dụng bảo hộ cần thiết trong khi lao động.

Đối với các bệnh liên quan đến vấn đề toàn thân như huyết áp, tiểu đường cần có chế độ ăn uống điều trị để kiểm soát huyết áp và đường huyết tránh biến chứng xảy ra tại mắt.

Đối với tật khúc xạ: Cần học và làm việc trong môi trường đủ ánh sáng, làm việc xen kẽ nghỉ ngơi, giữ đúng khoảng cách khi nhìn gần …

4. Để bảo vệ đôi mắt của mình luôn sáng và khỏe mạnh, việc thăm khám định kỳ có ý nghĩa thế nào, thưa Bác sĩ?

Thông thường trẻ em có tật khúc xạ, cần khám kiểm tra khúc xạ mỗi 6 tháng

Đối với các bệnh khác tùy theo giai đoạn, mức độ nặng nhẹ, các BS sẽ đưa ra lịch khám cụ thể và riêng biệt cho từng trường hợp.

Tuy nhiên đối với người lớn: ít nhất 1 năm nên kiểm tra mắt tổng quát một lần

5. Nghe nói thông qua khám mắt cũng có thể phát hiện ra một số bệnh khác như tiểu đường chẳng hạn. Có đúng vậy không, thưa Bác sĩ?

Chính xác, có một số bệnh toàn thân diễn ra âm thầm, bệnh nhân không biết, gây biến chứng làm giảm thị lực khi đi khám mắt được BS mắt phát hiện. Ví dụ tắc động mạch và tĩnh mạch trung tâm võng mạc có nguồn gốc từ bệnh tim mạch. Bệnh tăng sinh dịch kính võng mạc đa số có nguồn gốc từ bệnh tiểu đường

6. Vậy thông thường, trong khoảng bao lâu thì nên đi khám mắt một lần?

Như đã nói ở trên ngay cả khi mắt không có vấn đề gì, nên đi kiểm tra 1 năm 1 lần, đặc biệt là những người trên 40 tuổi.

7. Rất nhiều bệnh về mắt và thị lực thường không có triệu chứng cụ thể, vì vậy chúng ta cần chú ý những biểu hiện gì ở mắt để sớm phát hiện bệnh?

Khi gặp 1 hoặc nhiều các triệu chứng sau cần đi khám ngay: Đỏ mắt, đau nhức, nhìn mờ một phần hay toàn bộ, cộm xốn, chảy nước mắt, chảy ghèn, dử, ra mủ, sưng tấy.

8. Những người có tiền sử gia đình bị mắc các bệnh về mắt nên có bị di truyền các bệnh về mắt không?

Tùy loại bệnh, nếu là bệnh có tính di truyền thì trong gia đình có người mắc bệnh, những người khác có xác suất mắc bệnh cao hơn. Còn tùy thuộc di truyền thể trội hay lặn, có liên kết đến giới tính hay không mới tiên lượng được cơ hội mắc bệnh của những thành viên khác hoặc thế hệ sau. Bệnh viêm võng mạc sắc tố, glaucoma, một số loại loạn dưỡng giác mạc v.v. là những bệnh có yếu tố di truyền.

9. Chế độ ăn uống có ảnh hưởng thế nào tới mắt, thưa Bác sĩ?

Thức ăn là nguồn vật chất chủ yếu để cung cấp năng lượng, khoáng chất, vitamine các thành phần quan trọng khác trong hoạt động của cơ thể sống. Đối với mắt vitamine A, tiền tố vitamine A- chất Caroten là một yếu tố quan trọng giúp cho hoạt động của võng mạc, thành phần đóng vai trò chính trong chức năng thị giác của mắt. Khi thiếu vitamine A trầm trọng, kéo dài có thể dẫn đến quáng gà, khô mắt.

Hiện nay tại các thành phố lớn hiện tượng thiếu vitamine A không phổ biến, nhưng ở những vùng thôn quê hẻo lánh vẫn còn xảy ra hiện tượng này. Vitamine A và tiền tố vitamine A có thể dễ dàng đưa vào cơ thể qua các loại thức ăn thông thường: Trứng, sữa, gan, cá, các rau lá có màu xanh thẫm hoặc trái cây có màu cam, màu đỏ, màu vàng. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét